Ngày nay, phanh ABS được các hãng xe trang bị cho hầu hết các phương tiện giao thông hiện đại. Đặc biệt ở một số quốc gia, đây được xem là một hệ thống bắt buộc phải trang bị trên những chiếc xe ô tô hiện hành, nhằm đảm bảo an toàn cho người điều khiển trong một số tình huống cần thiết.
Vậy cụ thể, phanh ABS là gì, cấu tạo, hoạt động ra sao? Và những gì người dùng cần lưu ý khi sử dụng? Bài viết sẽ lần lượt giúp bạn tìm lời giải đáp cho những vấn đề này.
Phanh ABS là gì?
ABS (Anti-lock Braking System) là hệ thống an toàn hỗ trợ chống bó cứng phanh, giúp tối ưu hóa quá trình phanh, khắc phục tình trạng trượt bánh hay mất ổn định khi phanh khẩn cấp.
Cấu tạo của hệ thống phanh ABS
Hệ thống phanh ABS gồm các bộ phận:
- Bộ điều khiển trung tâm ECU: phân tích, xác định mức trượt giữa bánh xe với mặt đường dựa vào tín hiệu thu thập được từ các cảm biến và bộ chấp hành ABS để kịp thời điều chỉnh van thủy lực, ngăn tình huống nguy hiểm xảy ra.
- Bộ chấp hành của phanh: cung cấp áp suất thủy lực của xilanh ở bánh xe theo tín hiệu của ECU.
- Cảm biến tốc độ: giúp kiểm tra và phát hiện tốc độ của từng bánh xe và truyền tín hiệu đến bộ điều khiển ECU.
- Cảm biến giảm tốc: nhận biết mức giảm tốc và truyền tín hiệu đến ECU điều khiển trượt, bằng cách này bộ ECU đánh giá chính xác hơn các điều kiện của mặt đường để có các biện pháp điều khiển phù hợp.
- Đèn báo ABS: Khi ECU phát hiện thấy những vấn đề liên quan đến hệ thống ABS hoặc hệ thống hỗ trợ phanh, đèn này sẽ bật sáng để báo cho người lái.
- Công tắc đèn phanh: nhận biết bàn đạp phanh đã được đạp xuống, truyền tín hiệu đến ECU. ABS sử dụng tín hiệu từ công tắc đèn phanh nhưng khi nó hỏng, việc điều khiển của ABS vẫn có thể thực hiện khi bánh xe bị bó cứng.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống phanh ABS
Đây là một hệ thống dựa vào cảm biến điện tử để theo dõi tốc độ của các bánh xe. Trong trường hợp có một hoặc nhiều bánh xe có dấu hiệu bị bó cứng trong quá trình phanh, thông qua tín hiệu của các cảm biến, lập tức bộ điều khiển ECU sẽ tiếp nhận và điều khiển bộ chấp hành ABS để điều chỉnh áp lực phanh đến từng bánh.
Khi ECU nhận thấy có bánh có tốc độ quay chậm hơn so với các bánh còn lại, nó sẽ tự động giảm áp suất tác động lên phanh. Tương tự, nếu có bánh quay quá nhanh so với mức quy định, chíp điện tử cũng tự động tác động lực trở lại, đồng thời tạo ra độ rung ở bàn đạp phanh để báo cho người lái biết ABS đang hoạt động.
Hệ thống này lặp lại quá trình trên nhiều lần trong một giây để phát huy tối đa tiềm năng của hệ thống phanh và đảm bảo tính ổn định của xe, giúp người điều khiển kiểm soát được quỹ đạo xe một cách dễ dàng hơn.
Lưu ý về hệ thống phanh ABS
Mặc dù, hệ thống ABS không còn quá xa lạ nhưng vẫn có nhiều trường hợp người sử dụng ABS sai cách, chủ quan để phóng nhanh bất chấp. Một điều bạn nên biết rằng, hệ thống chống bó cứng phanh ABS không làm xe bạn dừng lại nhanh hơn mà nó chỉ có thể giúp bạn kiểm soát được hướng di chuyển của xe trong trường hợp phanh gấp nhưng cũng không thể đảm bảo hiệu quả 100%.
Chính vì thế, người lái xe vẫn cần tìm hiểu cũng như làm quen với ABS để làm chủ được tay lái một cách tối ưu trong mọi tình huống.
Như vậy, qua một số phân tích, có thể thấy ABS ngày càng giữ một vai trò quan trọng đối với các dòng xe hiện đại. Mong rằng những thông tin chia sẻ trên sẽ phần nào giúp bạn hình dung rõ ràng về hệ thống chống bó phanh ABS.
Ngoài ra, để xe đạt hiệu quả phanh cao nhất, bạn có thể tìm hiểu thêm về sự bổ trợ của hệ thống EBD. Đây cũng là một hệ thống rất hữu ích, góp phần làm tăng hiệu năng phanh và duy trì tính ổn định của xe khi phanh.