Trong quá trình điều khiển xe, có không ít những tình huống khẩn cấp gây nguy hiểm cho người trên xe. Để hạn chế vấn đề này, nhiều nhà sản xuất đã nghiên cứu những ứng dụng giúp kiểm soát tình trạng xe mất cân bằng. Và như thế, cùng với hệ thống chống bó phanh ABS là sự xuất hiện của hệ thống bổ trợ cho nó – EBD.
Vậy hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD là gì, cấu tạo, nguyên lý hoạt động như thế nào và tại sao EBD ra đời? Hãy tham khảo bài viết sau để có những hiểu biết đúng đắn hơn về hệ thống này.
Hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD là gì?
Như đã tìm hiểu, hệ thống phanh ABS có nhiệm vụ giúp cho người điều khiển có thể kiểm soát được tay lái trong tình huống phanh khẩn cấp.
Trong khi đó, EBD – Electronic Brake Force Distribution là hệ thống phân phối lực phanh điện tử. Giống như tên gọi, nhiệm vụ của EBD là tự động phân bổ lực phanh tới các bánh xe dựa vào điều kiện tải trọng xe, mặt đường và góc lái, nhằm đảm bảo xe dừng một cách cân bằng nhất.
Tại sao EBD ra đời?
Thông thường, tải trọng tác động lên các bánh xe là không giống nhau, tải trọng tác động lên cầu trước khác cầu sau hay trong quá trình chúng ta vào cua, tải trọng tác động lên các bánh xe ở phía trong và phía ngoài hoàn toàn khác nhau. Vì thế, trong từng trường hợp, cần một lực phanh phù hợp trong các bánh xe.
Trước đây, vấn đề phân bổ lực phanh được thực hiện bởi các van cơ khí nhưng các van này không thể giải quyết vấn đề phân bổ lực phanh một cách tối ưu.
Do đó, để thay thế cho các van cơ khí, đồng thời rút ngắn quãng đường phanh, hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD ra đời.
Cấu tạo phanh EBD
Đa số hệ thống EBD sử dụng chung phần cứng với hệ thống chống bó cứng phanh ABS. Bên cạnh đó, để có thể hoạt động hiệu quả hơn, EBD còn được trang bị thêm các bộ phận khác như: cảm biến góc đánh lái, cảm biến gia tốc ngang, cảm biến tải trọng và van điều khiển thủy lực.
- Cảm biến góc lái: để đánh giá tình huống bằng cách đo trọng tâm của xe, xem xe có đang bị trượt hay vẫn còn trong tầm kiểm soát.
- Cảm biến gia tốc ngang: kiểm tra độ trượt ngang bằng cách đo trọng tâm xe.
- Cảm biến tải trọng: tính toán tải trọng xe để phân bổ lực phanh lý tưởng.
- Van điều khiển thủy lực: khác với van điều khiển ABS dùng chung cho cả 4 bánh xe, EBD trang bị thêm van điều khiển thủy lực nhằm điều chỉnh lưu lượng dầu cho từng bánh riêng biệt.
Nguyên lý hoạt động và vai trò của hệ thống phân phối lực phanh điện tử EBD
EBD hoạt động dựa vào các tín hiệu thông tin mà ECU nhận được từ cảm biến tốc độ vòng quay, tốc độ, độ nghiêng, tải trọng và góc tay lái để theo dõi xem các bánh xe có cùng tốc độ với nhau không, so sánh dữ liệu để biết xe có đang bị thừa lái hay thiếu lái không.
Khi hệ thống phanh EBD phát hiện độ nghiêng của xe vượt mức an toàn thì sẽ tự động kích hoạt phanh vận hành phân bổ lực đáp ứng phù hợp cho từng bánh xe.
Hay nói cách khác, hoạt động của phanh đạt hiệu suất cao nhất khi lực phanh tác động đến các bánh xe có tỷ lệ phù hợp với tải trọng tác động lên bánh xe đó. Đây cũng chính là nguyên lý làm việc của hệ thống phân phối lực phanh khẩn cấp EBD, giúp người lái kiểm soát được xe của mình.
Ngày nay, hệ thống EBD dần trở thành một trong những công nghệ hỗ trợ phanh tiêu chuẩn trên xe ô tô, nhờ đó giảm thiểu tai nạn trong những tình huống tiềm ẩn nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Trên đây là bức tranh tổng quát về hệ thống phân bổ lực phanh EBD. Hy vọng giúp người đọc có thêm những kiến thức hữu ích xoay quanh chủ đề này.
Ngoài ra, còn có những hệ thống hỗ trợ tăng hiệu suất phanh khác cũng quan trọng không kém, nhằm đảm bảo tính an toàn tối ưu cho người điều khiển mà bạn đọc có thể tìm hiểu thêm như ESC, BA …