Với mong muốn giảm thiểu những va chạm trên đường cho các phương tiện như ô tô thì bên cạnh một số hệ thống phanh ABS, EBD, ESC… người ta còn quan tâm đến hệ thống TCS như một giải pháp hỗ trợ, đảm bảo sự an toàn cho người điều khiển.
Vậy, hệ thống kiểm soát lực kéo TCS là gì? Hãy cùng Oto360 tìm hiểu qua bài viết sau để có góc nhìn đa dạng hơn xoay quanh chủ đề này.
Hệ thống TCS là gì?
TCS – viết tắt của Traction Control System là hệ thống kiểm soát lực kéo, hỗ trợ chống trượt bánh khi xe tăng tốc, vào cua hay phanh gấp nhưng gặp tình trạng trơn trượt, mất độ ma sát với đường, làm chệch hướng di chuyển của xe.
Trang bị hệ thống này sẽ giúp xe bám đường tốt nhất có thể và giảm trơn trượt, để xe di chuyển ổn định ở địa hình xấu hay cả trong thời tiết khắc nghiệt.
Đặc điểm của hệ thống kiểm soát lực kéo TCS
Hệ thống kiểm soát lực kéo TCS có cấu tạo tương đối đơn giản, bao gồm cảm biến tốc độ dùng chung với hệ thống ABS cùng với một dây cáp kết nối với ATC – van điều khiển lực kéo tự động.
TCS được lắp đặt trên bốn bánh xe với mục đích theo dõi những chuyển động thực tế của bánh khi xe vận hành trên đường, nhờ đó kịp thời loại bỏ rủi ro nếu xe mất ma sát với đường, giúp duy trì trạng thái vững vàng cho phương tiện.
TCS thực chất được phát triển dựa trên nền tảng của hệ thống chống bó phanh ABS và hệ thống cân bằng điện tử ESC. Nếu ABS hoạt động khi xe giảm tốc độ thì TCS hoạt động vào thời điểm xe tăng tốc. Mặt khác, nếu ESC có nhiệm vụ xử lý rủi ro khi xe ở tốc độ cao thì TSC đảm nhận trọng trách giữ ổn định cho xe ở tốc độ thấp.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống TCS
TCS nhận tín hiệu từ cảm biến trọng lực, cảm biến gia tốc ngang, cảm biến tốc độ, vòng quay bánh xe, chân ga, góc tay lái và cảm biến bướm ga để xác định tốc độ quay của bánh xe.
Ngay khi phát hiện ra tốc độ quay của bánh xe vượt quá tốc độ quay của phương tiện, tức là bánh xe chủ động có dấu hiệu bị trượt quay, hệ thống sẽ gửi thông tin đến bộ điều khiển trung tâm ECU, nó sẽ can thiệp làm giảm lực kéo của bánh chủ động đó thông qua 2 cách:
- ECU tiếp nhận, xử lý thông tin và ra lệnh để hệ thống phanh ABS thay đổi tốc độ các bánh xe bằng các van điều khiển thủy lực để ngăn cản tình trạng trượt xoay bánh.
- ECU sẽ trực tiếp can thiệp, giảm lực momen xoắn động cơ bằng một số cách như: tăng/ giảm ga, giảm thời gian phun nhiên liệu, giảm hay ngắt đánh lửa đối với một hoặc nhiều xilanh, điều khiển góc mở bướm ga. Từ đó, giảm tối thiểu tình trạng trượt bánh, lấy lại trạng thái cân bằng cho phương tiện.
Lưu ý khi sử dụng hệ thống kiểm soát lực kéo TCS
Ngày nay, TCS có thể được xem là một trong những trang bị quan trọng nhất đối với nhiều dòng xe ô tô hiện hành, có tác dụng trong việc giữ an toàn tối ưu cho người cầm lái.
Khi hệ thống TCS vận hành, đèn báo TCS sẽ bật sáng. Tuy nhiên, một lưu ý là đôi khi đèn cảnh báo sáng còn là để báo lỗi ở những bộ phận liên quan, có thể là ở cả hệ thống phanh ABS hay ESC.
Do đó, để kịp thời phát hiện và sửa chữa những lỗi này cũng như để đảm bảo an toàn, luôn kích hoạt hệ thống kiểm soát lực kéo TCS là việc nên làm và chỉ nên tạm ngắt chức năng này trong vài trường hợp chẳng hạn như xe bị sa lầy, để xe có thể thoát lầy dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Trên đây là một số thông tin về hệ thống kiểm soát lực kéo TCS. Hy vọng bài viết sẽ đem đến cho người đọc cái nhìn rõ nét hơn về hệ thống TCS để có được những trải nghiệm an toàn khi lái xe trên đường.
Bên cạnh đó, người dùng ô tô cũng có thể tham khảo thêm các hệ thống hỗ trợ phanh như BA, ABS, TCS,…để có thể tối ưu hiệu suất phanh nhằm giảm rủi ro xảy ra tai nạn xuống mức thấp nhất.