Hiện nay, tại Việt Nam, nhiều hãng xe ô tô cung cấp cả 2 phiên bản xe số sàn và xe số tự động cho cùng một dòng sản phẩm như Toyota Vios, Kia Morning, Hyundai Grand i10…để đa dạng lựa chọn cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa thật sự hiểu về những loại hộp số này và thường phân vân nên mua loại xe nào là hợp lý.
Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, qua bài viết sau, Oto360 sẽ giúp bạn hình dung thật rõ ràng về hộp số sàn và hộp số tự động để cùng tìm lời giải đáp cho câu hỏi nên mua xe số sàn hay xe số tự động?
Hộp số sàn
Hộp số sàn – Manual Transmission (MT) hay còn gọi là số tay, là loại hộp số mà người lái sử dụng cần số gạt tay để thay đổi tỷ số truyền động.
Bên cạnh việc chuyển số bằng cần số, hộp số sàn yêu cầu sử dụng bàn đạp ly hợp (chân côn) nằm bên trái bàn đạp phanh. Nhấn bàn đạp ly hợp sẽ ngắt cơ cấu ly hợp nằm giữa động cơ và hộp số, hoạt động truyền lực từ động cơ đến hộp số sẽ ngừng để bạn có thể sang số. Để chuyển số, người lái nhấn bàn đạp ly hợp xuống, di chuyển cần số đến số mong muốn và sau đó nhả bàn đạp ly hợp để truyền lại công suất từ động cơ sang hộp số.
Cấu tạo hộp số sàn MT
Bánh răng: Bộ phận chính, có nhiệm vụ thay đổi tỷ số truyền, làm thay đổi tốc độ quay giữa các chi tiết.
Trục hộp số: Hộp số dọc thường có 3 trục gồm Trục sơ cấp – Trục trung cấp – Trục thứ cấp. Hộp số ngang có 2 trục là trục sơ cấp – trục thứ cấp.
Bộ đồng tốc: Bộ phận này giúp tốc độ của các bánh răng được đồng đều khi vào số, tránh gặp tình trạng va đập giữa các bánh răng. Nhờ đó, quá trình vào số của xe sẽ êm ái và dễ dàng hơn.
Ổ bi: Bộ phận này giúp chuyển hóa ma sát trượt thành ma sát lăn, làm giảm tiếng ồn trong quá trình hoạt động và giúp hộp số kéo dài tuổi thọ.
Vỏ và nắp hộp số: Chứa các bộ phận bên trong hộp số, có nhiệm vụ bảo vệ các bộ phận này khỏi va đập.
Ưu điểm hộp số sàn MT
- Thường tiết kiệm nhiên liệu hơn hộp số tự động hay hộp số vô cấp CVT
- Giá thành rẻ hơn so với các loại hộp số khác
- Việc bảo trì, bảo dưỡng thường dễ dàng và ít tốn kém chi phí hơn
- Giúp người lái kiểm soát xe tốt hơn trong nhiều tình huống
- Việc phải sử dụng nhiều thao tác để điều khiển côn, số hợp lý giúp người lái tập trung hơn
- Mang lại cảm giác điều khiển chân thật sức mạnh của động cơ và chứng tỏ được “độ cứng” tay lái của mình
Nhược điểm hộp số sàn MT
- Việc điều khiển và xử lý tình huống với hộp số sàn là khó hơn so với xe số tự động. Bên cạnh đó, những “tay lái yếu” có thể cảm thấy căng thẳng khi vừa phải tập trung quan sát đường đi, vừa phải thực hiện khá nhiều thao tác của hộp số sàn.
- Gây bất tiện và khó chịu trong trường hợp kẹt xe, tắc đường, nhất là đối với người lớn tuổi hay có vấn đề về sức khoẻ, vì người lái sẽ phải thường xuyên thực hiện các thao tác với hộp số, đặc biệt là “rà côn” để giữ cho xe không tắt máy khi đường đông.
Hộp số tự động
Hộp số tự động – Automatic Transmission (AT) là loại hộp số có thể thay đổi tỷ số truyền động một cách tự động, không cần người lái sử dụng cần gạt.
Hệ thống sử dụng biến mô thủy lực đóng vai trò như ly hợp để ngắt và truyền chuyển động quay từ động cơ đến hộp số. Bên trong hộp số là hệ thống các bánh răng hành tinh phức tạp kết hợp với nhau để tạo nên các cấp số cho xe.
Loại hộp số tự động phổ biến nhất hiện nay là hộp số tự động thuỷ lực. Hộp số tự động vô cấp CVT hay hộp số ly hợp kép DCT cũng được xếp vào nhóm hộp số tự động.
Cấu tạo hộp số tự động AT
Bộ bánh răng hành tinh: gồm Bánh răng mặt trời nằm ở trung tâm, có kích thước lớn nhất và Bánh răng hành tinh nằm ở xung quanh bánh răng mặt trời, ăn khớp và xoay quanh bánh răng mặt trời, có kích thước nhỏ hơn. Lồng hành tinh (cần dẫn) là bộ phận liên kết với trục của bánh răng hành tinh, đồng trục với vành đai ngoài (bộ phận bao quanh bộ bánh răng hành tinh).
Bộ ly hợp thủy lực: đĩa ma sát trong bộ ly hợp sẽ ăn khớp với vành đai bao ngoài bộ bánh răng hành tinh và di chuyển theo vành đai ngoài.
Biến mô thủy lực: nằm giữa hộp số và động cơ, có tác dụng truyền mô men xoắn từ động cơ đến trục vào hộp số.
Bộ điều khiển điện tử: sử dụng cảm biến để nhận thông tin đầu vào, sau đó xử lý thông tin, cung cấp dòng điện tới các van để đóng mở đường dầu đến các ly hợp.
Ưu điểm hộp số tự động AT
Do bản chất tự động của mình, loại hộp số này mang đến trải nghiệm dễ dàng và thoải mái hơn cho người lái, đặc biệt là những “tay lái yếu”. Cụ thể bạn chỉ cần gạt cần về D và quên luôn cần số cho đến khi bạn muốn đậu xe hoặc rẽ. Bạn cũng không còn phiền toái với bộ ly hợp.
Nhược điểm hộp số tự động AT
- Do thao tác khá dễ dàng nên người lái dễ chủ quan, thiếu tập trung, dễ đạp nhầm chân ga, khiến xe mất kiểm soát và gây ra tai nạn
- Độ tiêu hao nhiên liệu lớn hơn so với hộp số sàn truyền thống do sự hao hụt công suất ở biến mô thủy lực.
- Hộp số tự động thường không phản ứng nhanh như hộp số sàn.
- Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế khác cao do cấu tạo phức tạp của hệ thống.
So sánh xe số sàn và xe số tự động
Điểm giống nhau giữa xe số sàn và xe số tự động
Về mục đích sử dụng
Cả 2 loại hộp số đều được sử dụng với chung mục đích là thay đổi tỷ số truyền nhằm thay đổi tốc độ vòng bánh răng ở các bánh xe chủ động của ô tô. Từ đó, tốc độ của xe sẽ được thay đổi để phù hợp với điều kiện lái xe cũng như nhu cầu của người tài xế.
Về cấu trúc và thiết kế xe
Nếu chỉ nhìn xe từ bên ngoài bằng mắt thường thì cả hai loại xe này rất khó phân biệt. Ngoài sự khác biệt về hộp số, các bạn sẽ không thể tìm thấy nhiều sự đối lập giữa hai loại xe ô tô này về cả thiết kế bên ngoài, nội thất trong xe, cấu trúc khung xe
Khác biệt giữa xe số sàn và xe số tự động
Thiết kế cần số
Số của xe số sàn được thiết kế thành hình chữ 2 chữ H dính liền. Bắt đầu từ số 1 ở góc bên dưới đến số 5 và số lùi R (Reverse) ở góc bên phải.
Xe tự động sẽ không có tận 5 số tiến trên cần số để người lái xe có thể lựa chọn, thay vào đó, chỉ có một số tiến D (Drive). Một số loại xe thể thao có thể bật chế độ sang số thủ công bằng lẫy trên vô lăng hoặc trên cần số.
Chân côn
Chân côn chỉ tồn tại ở xe số sàn. Chân côn nằm ở góc ngoài cùng bên trái, được sử dụng như một công cụ để chuyển số một cách thủ công.
Xe sử dụng số sàn cần ngắt côn để sang số nhưng xe số tự động thì không cần vì chân côn đã được tự động, các bộ phận còn lại chỉ là chân phanh và chân ga.
Chân côn cũng là lý do khiến người lái xe số sàn phải sử dụng cả hai chân trong khi lái xe, còn người lái xe số tự động chỉ cần dùng chân phải cho cả ga và phanh.
Cách thức hoạt động của hộp số và thao tác chuyển số
Mặc dù cả 2 loại hộp số đều có cùng mục đích sử dụng, nhưng như đã khái quát ở trên về cách thức hoạt động của hộp số và thao tác chuyển số của mỗi loại. Có thể thấy đây là điểm khác biệt khá lớn giữa xe số sàn và xe số tự động.
Làm chủ tốc độ
Hộp số sàn đáp ứng nhanh chóng việc thay đổi lực kéo và tăng tốc độ, việc mà không phải hộp số tự động nào cũng có thể đáp ứng được ngay cả hộp số có tính năng đi số sàn.
Cảm giác làm chủ được tốc độ và chiếc xe của mình là lý do xe số sàn vẫn còn tồn tại và phát triển cho đến tận ngày nay.
Chi phí
Chi phí cho hai loại xe này sẽ chênh nhau khá nhiều và đây là yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến quyết định của bạn.
- Về giá xe
Do được trang bị công nghệ hiện đại hơn nên xe số tự động luôn có giá đắt hơn so với số sàn khoảng vài chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu.
Chẳng hạn như Hyundai Grand i10 sedan phiên bản số tự động có giá cao hơn hẳn 30 triệu VND so với phiên bản xe số sàn.
- Về chi phí bảo dưỡng
Chi phí bảo dưỡng 2 loại xe này cũng có sự chênh lệch đáng kể, trung bình khoảng vài trăm nghìn đến vài triệu đồng tùy loại xe và vấn đề của hộp số. Xe số sàn thường ít phải bảo dưỡng thường xuyên và khi hộp số sàn phát sinh vấn đề, việc sửa chữa, tìm phụ tùng xe để thay thế cũng đơn giản, dễ dàng và rẻ hơn so với hộp số tự động.
Nên mua xe số sàn hay xe số tự động?
Đây là vấn đề nhiều người quan tâm bởi có khá nhiều luồng dư luận trái chiều về việc hộp số nào an toàn hơn. Tuy nhiên, việc an toàn hay không lại không phụ thuộc vào hộp số mà hoàn toàn phụ thuộc vào người lái. Bên cạnh đó, để có thể lựa chọn xe số sàn hay xe số tự động cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, nhu cầu và mục đích sử dụng. Thế nên, Oto360 chỉ có thể đưa ra số gợi ý lựa chọn như sau:
Lựa chọn xe số sàn khi:
- Muốn tiết kiệm ngân sách mua xe và chi phí “nuôi” xe.
- Bạn là người đam mê tốc độ, thích lái xe thể thao năng động.
- Mua xe kinh doanh dịch vụ.
- Muốn có trải nghiệm lái chân thật.
Lựa chọn xe số tự động khi:
- Chủ yếu sử dụng khi đi trong phố.
- Mua xe cho gia đình.
Trên đây là tất cả những thông tin Oto360 muốn truyền tải nhằm hỗ trợ bạn đọc những kiến thức liên quan đến hộp số sàn và hộp số tự động. Như vậy, bạn cần xác định nhu cầu, điều kiện tài chính, điều kiện đường sá mà mình thường xuyên di chuyển,… để cân nhắc và đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất cũng như để có thể khai thác được hết những tính năng tuyệt vời của chiếc xe.
Hy vọng những chia sẻ trên thật sự hữu ích với bạn, từ đó giúp bạn trong việc đưa ra quyết định sáng suốt nhất khi mua xe.