Các cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải không có phù hiệu xe theo đúng quy định, có thể sẽ chịu mức phạt lên tới 16 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng. Do đó, các cá nhân, tổ chức kinh doanh vận tải cần nắm rõ các quy định về phù hiệu xe tải để đảm bảo hoạt động kinh doanh được thuận lợi và đúng quy định.
Phù hiệu vận tải là gì?
Phù hiệu vận tải là một loại giấy tờ pháp lý không thể thiếu trong ngành vận tải, đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và đăng ký thông tin về xe tải. Phù hiệu xe liên quan đến việc gắn một dạng biển báo đặc biệt lên phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa thông qua việc đăng ký tại cơ quan quản lý vận tải. Điều này giúp xác định được thông tin cơ bản về chủ sở hữu, tính năng kỹ thuật và mục đích sử dụng của từng loại xe tải, xe khách từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý và kiểm soát giao thông hàng hóa trên đường.
Căn cứ vào quy định của Nghị định 10/2020/NĐ-CP thì các loại xe kinh doanh vận tải sau đây cần phải gắn phù hiệu xe:
- Phù hiệu xe khách dành cho xe chở hành khách như: xe buýt, xe taxi, xe khách, xe chạy tuyến cố định, xe chạy hợp đồng, xe du lịch
- Phù hiệu xe tải dành cho xe chở hàng hóa: xe tải các loại, xe bồn, xe xitec, xe siêu trường, xe siêu trọng.
Đối với những xe không đăng ký kinh doanh vận tải hay không phục vụ kinh doanh sẽ không cần phải gắn phù hiệu ô tô.
Mẫu phù hiệu
Phù hiệu xe tải là một hình thức khác của Giấy phép kinh doanh vận tải, mỗi loại xe sẽ có phù hiệu riêng và trên đó thể hiện đầy đủ thông tin về đơn vị vận tải, biển số xe, loại xe, mã QR. Theo thông tư số 12/2020/TT-BGTVT mẫu phù hiệu xe tải, phù hiệu xe ô tô được quy định như sau:
Phủ hiệu xe tải | |
Phù hiệu xe Cong-ten-nơ | |
Phù hiệu xe đầu kéo | |
Phù hiệu xe tuyến cố định | |
Phù hiệu xe trung chuyển hành khách | |
Phù hiệu xe buýt | |
Phù hiệu xe taxi | |
Phù hiệu xe hợp đồng |
Theo đó, phù hiệu được cấp theo mẫu và dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính gió phía trước của xe.
Chi phí làm phù hiệu?
Có 2 hình thức làm phù hiệu xe tải dành cho các chủ xe như sau:
- Tự đăng ký cấp phù hiệu xe tải tại cơ quan Sở Giao Thông Vận Tải, theo quy định chi phí làm phù hiệu là không mất phí nhưng nếu xin cấp phù hiệu theo đúng quy trình vẫn mất khoảng 500.000 đồng để làm hồ sơ (chưa bao gồm chi phí lắp đặt định vị xe tải)
- Thuê dịch vụ chuyên hỗ trợ làm phù hiệu xe tải, giá dao động từ 1.000.000 đồng – 2.000.000 đồng
Quy trình và thủ tục cấp phù hiệu
Phù hiệu xe tải được cấp bởi Bộ Giao Thông Vận Tải và thủ tục xin cấp phù hiệu xe tải được thực hiện theo các bước sau đây
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đối với cá nhân
- Mẫu đơn xin cấp phép phù hiệu xe tải
- Giấy đề nghị cấp phù hiệu theo mẫu quy định
- Giấy đăng ký xe ô tô (bản sao có công chứng)
- Sổ đăng kiểm xe có tích hộp đen và kinh doanh vận tải (bản sao có công chứng)
- Bản sao bảo hiểm trách nhiệm dân sự
- Chứng minh nhân dân (bản sao)
- Giấy phép lái xe
- Giấy khám sức khỏe
- Giấy chứng nhận mua hộp đen định vị
Hồ sơ đối với tổ chức, công ty, doanh nghiệp
Đối với tổ chức, công ty và doanh nghiệp hồ sơ cần chuẩn bị tương tự như hồ sơ của cá nhân, nhưng cần bổ sung thêm các loại giấy tờ như:
- Giấy phép kinh doanh vận tải
- Hợp đồng dịch vụ vận chuyển với các đơn vị
Bước 2: Nộp hồ sơ
Các cá nhân, tổ chức, chủ xe nộp hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu xe tải tại Sở Giao Thông Vận tải, nơi đã cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho đơn vị kinh doanh vận tải
Đối với trường hợp phương tiện không thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải thì bổ sung thêm các loại giấy tờ sau:
- Hợp đồng thuê phương tiện bằng văn bản với tổ chức, cá nhân
- Hợp đồng nghĩa vụ giữa thành viên và HTX hoặc hợp đồng kinh doanh
Bước 3: Bổ sung hồ sơ (nếu có)
Trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ có sai sót, cần bổ sung, sửa đổi, cơ quan cấp phù hiệu sẽ thông báo trực tiếp bằng văn bản hoặc qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Căn cứ vào đó, các đơn vị kinh doanh vận tải bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu để hoàn thiện hồ sơ.
Bước 4: Giải quyết cấp phù hiệu cho xe
Sở giao thông vận tải sẽ cấp phù hiệu xe tải cho xe theo đề nghị của đơn vị kinh doanh vận tải trong thời hạn quy định là 2 ngày kể từ khi nhận hồ sơ.
Đối với trường hợp từ chối cấp, Sở giao thông vận tải sẽ thông báo bằng văn bản hoặc trả lời qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến kèm lý do.
Cách đăng ký online
Hiện nay, để hỗ trợ các chủ xe dễ dàng hơn trong việc làm thủ tục xin cấp phù hiệu xe tải, Bộ Giao thông vận tải đã có dịch vụ công trực tuyến. Quy trình đăng ký trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho chủ xe. Trong đó, có một số bước quan trọng mà chủ xe cần thực hiện để đăng ký phù hiệu xe tải online:
Bước 1: Truy cập và tạo tài khoản trên dịch vụ công của Sở Giao thông vận tải
Việc đăng ký phù hiệu xe tải online có thể được thực hiện trực tuyến thông qua hệ thống đăng ký phù hiệu online do cơ quan quản lý vận tải cung cấp. Chủ sở hữu xe tải cần truy cập vào trang web hoặc ứng dụng được cung cấp để bắt đầu quy trình đăng ký
Bước 2: Sau khi có tài khoản
Đăng nhập vào tài khoản -> Chọn thủ tục Cấp phù hiệu xe kinh doanh vận tải hàng hóa thông thường và xe taxi tải
Bước 3: Điền thông tin theo yêu cầu và tải tài liệu đính kèm
Điền thông tin vào biểu mẫu đăng ký
- Thông tin xe tải: số đăng ký, loại xe, trọng lượng, kích thước và các thông số kỹ thuật khác.
- Thông tin chủ xe: tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc và thông tin khác liên quan đến người chủ sở hữu xe.
- Thông tin phù hiệu cần đăng ký: Chủ xe cần chỉ định loại phù hiệu mà họ muốn đăng ký, ví dụ như phù hiệu thường, phù hiệu tải trọng, hay phù hiệu vận tải đặc biệt. Thông tin này giúp cơ quan quản lý biết được mục đích sử dụng của phương tiện.
Nộp các hồ sơ cần thiết qua hệ thống
- Scan giấy tờ xe, giấy tờ chứng minh nhân dân: Chủ xe cần scan bản sao hoặc bản photo giấy tờ xe và giấy tờ chứng minh nhân dân của mình.
- Tải lên hồ sơ kiểm định kỹ thuật xe: Chủ xe cần tải lên hồ sơ kiểm định kỹ thuật của xe tải. Hồ sơ này thường chứa các thông tin về trạng thái kỹ thuật của xe, bao gồm kiểm tra khí thải, kiểm định an toàn và các thông số kỹ thuật khác.
Sau khi đã hoàn thành và cập nhật đầy đủ thông tin cần thiết, người dùng chọn hình thức nhận kết quả -> Kiểm tra và nộp hồ sơ -> Lưu và in giấy biên nhận
Bước 4: Nhận kết quả theo hình thức đã chọn
Cơ quan kiểm tra thông tin và hồ sơ
- Nếu đăng ký được chấp thuận, chủ xe có thể nhận được thông báo kèm theo hướng dẫn để nhận phù hiệu.
- Đối với trường hợp từ chối cấp, Sở giao thông vận tải sẽ thông báo bằng văn bản hoặc trả lời qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến kèm lý do.
Thời hạn sử dụng phù hiệu
Căn cứ vào khoản 2 Điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ- CP quy định thời gian sử dụng phù hiệu cấp cho xe ô tô kinh doanh vận tải có thời hạn 7 năm hoặc theo đề nghị của kinh doanh vận tải (thời gian đề nghị trong khoảng từ 1 năm đến 7 năm) và không quá niên hạn sử dụng của phương tiện.
Trình tự thủ tục cấp lại phù hiệu xe tải hết hạn được thực hiện tương tự như quy trình và thủ tục xin cấp mới đã được trình bày ở trên.
Mức phạt khi sử dụng phù hiệu hết hạn hoặc không có phù hiệu
Sau khi đã quá thời hạn sử dụng phù hiệu xe, các chủ xe cần đi đăng ký xin cấp lại phù hiệu xe tải, nếu không sẽ chịu các mức phạt khi phù hiệu xe tải hết hạn, cũng như xe kinh doanh vận tải không có phù hiệu được quy định như sau:
Đối với người điều khiển xe (điểm d khoản 6 và điểm a khoản 9 Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Phạt tiền: 5.000.000 đồng -7.000.000 đồng
- Bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 đến 3 tháng
Đối với chủ phương tiện (điểm h khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP)
- Cá nhân: 6.000.000 đồng – 8.000.000 đồng
- Tổ chức: 12.000.000 đồng – 16.000.000 đồng
Trường hợp bị tước phù hiệu
Theo quy định, để tham gia kinh doanh vận tải các phương tiện phải được gắn phù hiệu xe tải, theo đó khi xe ô tô bị tước phù hiệu sẽ không được phép tham gia kinh doanh vận tải điều này được quy định ở khoản 12 điều 22 Nghị định 10/2020/NĐ-CP. Phù hiệu xe tải bị tước trong các trường hợp sau đây:
- Hành vi vi phạm giao thông nghiêm trọng: vượt đèn đỏ, vi phạm tốc độ, sử dụng ma túy, dùng điện thoại khi lái xe,…và đã lặp lại nhiều lần
- Không đáp ứng các yêu cầu đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm bắt buộc hoặc các khoản chi phí khác
- Không đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn giao thông đường bộ, môi trường, tiêu chuẩn kỹ thuật
Tổng kết
Việc đăng ký phù hiệu xe tải là một quy trình quan trọng nhằm đảm bảo tính hợp pháp và an toàn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa. Khi chủ sở hữu xe tải đăng ký phù hiệu, chủ sở hữu xe cần cung cấp thông tin chính xác về loại xe, trọng lượng, kích thước và mục đích sử dụng. Quy trình này giúp cơ quan quản lý vận tải có cái nhìn tổng quan về tình hình vận tải trên các tuyến đường, từ đó có thể đảm bảo trật tự giao thông và ngăn chặn việc sử dụng xe tải với mục đích sai trái
Việc đăng ký phù hiệu xe tải cũng đồng nghĩa với việc chủ sở hữu cam kết tuân thủ các quy định về an toàn giao thông và chất lượng xe. Ngoài ra, việc này còn giúp tạo niềm tin cho đối tác kinh doanh và khách hàng về sự chuyên nghiệp và trách nhiệm trong việc vận chuyển hàng hóa.
Trong ngành vận tải, phù hiệu vận tải không chỉ là một biểu tượng gắn trên xe, mà còn là một công cụ quản lý và kiểm soát giao thông hàng hóa trên đường. Với vai trò xác định thông tin cơ bản về xe và chủ sở hữu, phù hiệu đóng góp quan trọng trong việc duy trì trật tự và an toàn giao thông.