Tất tần tật về hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA – Braking Assist System

Trong quá trình điều khiển ô tô lưu thông trên đường, chắc chắn khó có thể tránh một số tình huống buộc lái xe phải phanh đột ngột để tránh những va chạm đáng tiếc xảy ra. Vì thế, các nhà sản xuất đã nghiên cứu và cho ra đời hệ thống hỗ trợ lực phanh khẩn cấp BA để giải quyết vấn đề này.

Vậy phanh khẩn cấp BA là gì? Cấu tạo, nguyên lý hoạt động, ưu nhược điểm và vai trò của BA? BA có mối liên hệ gì với những tính năng an toàn khác? Hãy cùng Oto360 kiếm lời giải đáp cho những thắc mắc kể trên từ việc tìm hiểu cụ thể về hệ thống BA qua bài viết này nhé. 

Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA là gì?

phanh khẩn cấp BA

Hệ thống BA (Brake Assist) – là hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp, có nhiệm vụ  hỗ trợ lực phanh trong tình huống dừng gấp, đồng thời hỗ trợ vận hành phanh khi người lái không thể đạp đủ lực lên bàn đạp phanh, giúp giảm quãng đường phanh trong trường hợp khẩn cấp.

Cấu tạo của hệ thống phanh khẩn cấp BA

Hệ thống BA được cấu thành từ 9 bộ phận:

  • Cảm biến tốc độ
  • Màng gắn cảm biến
  • Xi lanh phanh chính
  • Nam châm
  • Cảm biến mở
  • Khoang công tắc
  • Bộ xử lý trung tâm ECU
  • Bầu trợ lực phanh hay bầu trợ lực chân không
  • Bàn đạp phanh

Nguyên lý hoạt động của hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA

nguyen ly hoat dong BA

Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA hoạt động dựa trên tốc độ và lực đạp phanh của người điều khiển xe. 

Khi người lái thắng gấp để dừng khẩn cấp nhưng lực tác động lên phanh không đủ thì lúc này, các cảm biến tốc độ ở bàn đạp phanh sẽ truyền tín hiệu đến bộ điều khiển trung tâm. ECU tiếp nhận, tính toán và phân tích quãng đường phanh rồi ngay lập tức kích hoạt van điện, cấp khí nén vào bộ khuếch đại làm tăng lực phanh, giúp rút ngắn quãng đường phanh để xe giảm tốc nhanh nhất có thể, từ đó tránh được tai nạn có thể xảy ra. 

Khi hệ thống phanh khẩn cấp BA được kích hoạt, đèn báo phanh khẩn cấp sẽ hiển thị trên mặt đồng hồ táp lô xe. Mặt khác, vào thời điểm người điều khiển xe nhả phanh, cũng là lúc BA tự động ngừng hoạt động, trở lại trạng thái ban đầu.

Hiện nay, ở một số dòng xe hạng sang, hệ thống BA còn được trang bị thêm bộ phận phân tích dữ liệu. Nhờ đó, BA có khả năng ghi nhớ những thao tác của người sử dụng, so sánh để nhận diện đâu là tình huống phanh khẩn cấp để có cách xử lý nhanh chóng. 

Ưu nhược điểm và vai trò của hệ thống phanh khẩn cấp BA

Có thể nói, ưu điểm lớn nhất mà hệ thống BA mang lại chính là hỗ trợ phanh khẩn cấp, đồng thời giảm khoảng cách dừng xe lên đến 45%, giúp hạn chế đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

hethongBA

Nhưng bên cạnh đó, có một lưu ý là khi có tình huống bất ngờ xảy ra, hệ thống gần như lập tức đẩy lực phanh lên mạnh nhất có thể nên sẽ dễ dẫn tới tình trạng bó cứng phanh. 

Chính vì vậy, BA chỉ giữ vai trò hỗ trợ rút ngắn quãng đường phanh trong những trường hợp phanh gấp chứ không thể khiến xe dừng ngay lập tức, đảm bảo 100% an toàn cho người và phương tiện. 

Mối quan hệ của phanh khẩn cấp BA với ABS và EBD

Hệ thống hỗ trợ phanh khẩn cấp BA có thể nói là một trong những bước tiến quan trọng của ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Việc các dòng xe hiện đại được trang bị hệ thống này nhằm đảm bảo an toàn cho người cầm lái và xe là vô cùng cần thiết. 

Thế nhưng, với vai trò như đã nói thì để quá trình phanh đạt hiệu quả cao nhất, cũng như giữ được an toàn tối ưu hơn, BA thường được trang bị đồng bộ với các hệ thống ABS và EBD. Sự kết hợp cả 3 sẽ giúp cho người tài xế kiểm soát tốt tay lái và vận hành xe một cách ổn định. Tuy nhiên, người tài xế cần tìm hiểu kỹ và nắm bắt cụ thể từng loại hệ thống kể trên để có thể kết hợp chúng một cách hoàn hảo và đem đến hiệu quả tối ưu.

Mong rằng những thông tin chia sẻ trên sẽ hữu ích cho bạn, để quá trình lưu thông trên đường được an toàn và thuận lợi nhất.